Giấc ngủ của bé, theo EASY liệu có tốt?
Cứ mỗi lần nghe mọi người kể chuyện con thường xuyên thức đêm, mình lại thấy thương. Bởi lẽ hai vợ chồng cũng đã từng trải qua cảm giác mất ngủ vì em bé khóc giữa đêm.
Vì vậy, nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu vì sao con khóc đêm và biện pháp giải quyết thì hãy tin mình, đọc hết bài này nhé!
Khi mới có con là một quãng thời gian vô cùng chật vật đối với mình, dù cho có cả sách vở, kinh nghiệm từ người đi trước.
Thật ra, ngay từ đầu mọi thứ mình có chỉ là lý thuyết suông. Thế nhưng sau nhiều lần cố gắng thử đi thử lại, mình và vợ mới ngộ ra được chân lý về giấc ngủ của bé.
Giấc ngủ của bé và chuyện dạy bé ngủ đêm đơn giản
Dù không biết đó có phải là may mắn hay không? Nhưng mình tin rằng chia sẻ những kiến thức này đến người có duyên, họ sẽ rất vui.
Đừng lo lắng, nếu ba mẹ thấy hữu ích hãy thử áp dụng chúng. Còn không chẳng mất gì cả đâu.
Chuyện dạy ngủ cho trẻ đối với bản thân mình có 2 ý chính: Sự phân biệt ngày đêm và bé đủ mệt.
Sự mệt mỏi khi sinh con và giải pháp
Dù 2 ý đơn giản nhưng ba mẹ có khá nhiều việc để làm đấy. Bởi vì sao?
Lúc trong bụng mẹ, hầu như em bé không bao giờ biết ngày hay đêm. Cho nên, khi ra đời, việc ngủ hay chơi đều theo giờ giấc riêng của chính nó, không phụ thuộc ai.
Vậy mới có chuyện lúc bầu thì khá nhàn, đến khi sinh con mẹ lại trầm cảm nghiêm trọng.
Thực sự, mình chăm con cùng vợ từ lúc mới lọt lòng cho đến khi bé tròn 4 tháng tuổi. Cho nên cảm giác mệt mỏi ấy mình thật sự đồng cảm.
Nhưng thế làm gì để con khỏe mà mẹ cũng khỏe đây?
Câu trả lời của mình đó chính là nhờ sự hỗ trợ của người thân. Cụ thể ở đây đó chính là ông bà nội ngoại, hoặc cô dì chú bác có kinh nghiệm.
Sự chia sẻ lúc này cực kỳ quan trọng, chúng giúp mẹ giảm stress đi rất nhiều.
Thế nhưng nếu không có sự giúp đỡ của người thân thì ta còn có gì?
Câu trả lời đó chính là kiến thức từ sách vở, từ video và những lời khuyên từ y tá, bác sĩ.
Mình tin rằng, bà mẹ nào khi lần đầu đối diện với việc nuôi con sẽ vô cùng bối rối.
Dù can đảm và mạnh mẽ đến đâu sự bất lực sẽ chiếm lấy người mẹ ấy. Do đó, cách tốt nhất chính là trang bị kiến thức ngay khi có thể, càng sớm càng tốt.
Phân biệt giữa giấc ngủ ngày và giấc ngủ đêm của bé
Bây giờ chúng ta quay lại với việc con khóc, không chịu ngủ đêm. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây áp lực lên bà mẹ.
Chính vì vậy, giấc ngủ của bé chính là điều ta thực sự cần quan tâm. Cho nên, khi bé ngủ cần được tạo điều kiện ngủ thật giống với nếp sinh hoạt của chúng ta.
Kinh nghiệm của mình ở đây đó chính là từ khi bé lọt lòng, hãy cố gắng cho bé tập làm quen sự khác nhau giữa đêm và ngày.
Ánh sáng và sự ồn ào sẽ là giấc ngủ ngắn. Sự yên lặng và bóng tối sẽ là giấc ngủ dài.
Đồng thời, ban đêm bạn nên nối liền những khoảng ngủ ngắn ấy bằng cách cho con bú. Việc đơn giản nhất ấy chính là nằm cạnh con khi con đang ngon giấc.
Điều này có lẽ không như trong nhiều sách và tài liệu hiện nay bạn đang đọc. Tuy nhiên, hãy cùng tìm hiểu tiếp vì sao mình lại làm như vậy.
Thật sự mình đã đọc và áp dụng theo phương pháp EASY (một trong những phương pháp được ưa chuộng nhất hiện nay). Tuy nhiên, bạn biết gì không?
Bé sẽ không thế nào tiếp cận được với nguồn sữa nhanh nhất có thể. Việc này làm bé khóc rấm rứt trong đêm, có khi lại quậy khóc thét lên.
Sự khó chịu này làm căng thẳng thần kinh cho cha mẹ trẻ không quen với việc thức đêm trước đó. Một số trường hợp mình biết, bà mẹ đã ngất xỉu trong lúc vỗ về con và cho bú lúc nửa đêm.
Vì thế, đấy là một lý do mình không thích áp dụng phương pháp đặt con xa mẹ ngay những ngày còn thơ bé.
EASY và những gì mình học được từ phương pháp này
Lý do tiếp theo đó là mục đích của phương pháp EASY đó chính là: Bé tự đi vào giấc ngủ và có thể ngủ đêm.
Hai vấn đề này, bé đều có thể làm được dù có ở gần hay xa mẹ. Bằng chứng đó là, bà xã mình lúc nào cũng luôn nằm cạnh con vào buổi tối. Đến giai đoạn từ 3-6 tháng, bé ngủ xuyên đêm mà chẳng bú giọt sữa nào.
Trước đó, việc di chuyển mẹ ra khỏi phòng, để mặc bé khóc theo phương pháp có đề cập trong EASY mình đều đã thử. Kết quả đó chính là sự khó chịu và tội lỗi tràn ngập trong thâm tâm của hai vợ chồng.
Bạn biết không, đối với bản thân mình điều mình thấy cực kỳ đáng sợ không phải là con chưa tự lập. Mà đó chính là con không khóc vì chúng nghĩ tất cả mọi người bỏ rơi chúng. Khóc là vấn đề thừa thãi.
Điều này hơi ngược về mặt tự nhiên, thay vì cha mẹ đến bên con khi được báo động, thì giờ lại nín nhịn. Phương pháp tự lập sớm ấy vô tình lại tước sự phản xạ tự nhiên của trẻ.
Tuy nhiên, đấy là suy nghĩ của bản thân mình.
Lời khuyên từ những nhà khoa học về giấc ngủ của bé
Còn hiện nay nhiều người và tổ chức khuyên nên áp dụng 2 phương pháp mang lại hiệu quả cao đó là: Bỏ mặc cho con khóc và phương pháp mẹ rời xa dần.
Cả 2 đều được chứng minh rằng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, nếu ba mẹ thấy ổn có thể tự do lựa chọn phương pháp của mình.
Hoạt động trước khi bé có giấc ngủ ngon
Ngoài việc phân biệt ngày và đêm, ta còn việc làm sao bé thật mệt để dễ ngủ.
Trước hết, chúng ta cần xác định được rõ rằng, để đi ngủ xuyên đêm bé luôn cần năng lượng đầy đủ. Do vậy, việc cho bé bú no là điều bắt buộc.
Trước 3 tháng, dạ dày của bé con chúng ta rất nhỏ. Vì vậy, một đêm con bạn sẽ thức từ 2-3 lần để bú. Còn những tháng sau, khi cục cưng bú no, chúng sẽ tự ngủ liền một mạch như heo con thôi.
Thế nên, trước đó hãy cho chúng chơi thật nhiều. Đọc truyện, chọc cười nói chuyện và cho bé vận động nhiều nhất có thể.
Thế nhưng điều đó không có nghĩa là vừa bú no xong ta cho chơi liền nha. Hãy đợi 15 phút để bé tiêu hóa và tránh trường hợp nôn ói ở trẻ.
Thời gian bé vận động sau khi bú no sẽ là 1-1.5 tiếng. Sau lúc đấy, bạn nên bắt đầu giảm dần nhịp vui chơi và cho bé thư giãn để có thể đi ngủ.
Thông thường, con của bạn sẽ dụi mắt, nhìn xa xăm hoặc khó chịu đẩy lưng về phía trước. Lúc đó, chúng ta nên chuẩn bị đi ngủ bằng cách tắt đèn, nằm cạnh, cho ti giả và đợi bé tự trấn an để đi ngủ.
Bé nhà mình luôn giơ 2 chân lên trời và lim dim trước khi đi ngủ. Đôi lúc, một số bé lại đu đưa và làm những điều khá kỳ quặc, nhưng tất cả chỉ là chúng tự trấn an để có thể ngủ mà thôi.
Ba mẹ đừng lo lắng quá nhé!
Đấy là cách chúng ta cho bé ngủ thật ngon và thật dài để không bị quấy vào lúc nữa đêm.
À, vẫn còn một điều cực kỳ quan trọng để giúp bé. Đó chính là, chúng ta nên kiểm soát thời gian ngủ ngày của con. Một giấc ngủ ban ngày chỉ nên kéo dài từ 2-2.5 giờ, nếu bé không dậy hãy cố gắng đánh thức.
Những cách nhẹ nhàng như sau: Thay bỉm, lau bàn chân, làm ổn, … Ba mẹ đừng lo khoảng 15-20 phút sau, khi chu kỳ giấc ngủ sâu qua đi bé sẽ tự tỉnh dậy.
Thế là xong!
Cảm ơn bạn vì đã xem đến đây nhé!
Tóm tắt và chia sẻ thật lòng của người làm cha
Tuy mình là học kỹ thuật, tuy nhiên không quá cứng nhắc áp dụng mọi thứ. Chính vì lẽ đó, nếu thật sự không áp dụng được phương pháp này của mình, bạn hãy tự do dùng sự yêu thương của mình để giúp chúng.
Phương pháp nào cũng chỉ dựa vào tình thương và mong muốn chăm sóc bé yêu tốt nhất có thể mà thôi.
Cuối cùng, phương pháp của mình đó chính là:
– Hãy cho bé biết phân biệt ngày đêm bằng cách làm điều kiện ngủ đêm và ngày khác nhau.
– Liên kết giấc ngủ đêm bằng việc cho bú và nằm gần mẹ nhất có thể.
– Bé phải được bú no trước khi đi ngủ khoảng 1.5-2 tiếng.
– Con bạn phải được vui chơi và thoải mái hoạt động sau khi bú để chúng giải phóng năng lượng.
– Trấn an chúng bằng ti giả, nằm cạnh bên và tắt đèn.
– Ban ngày chỉ nên ngủ 1 giấc dài nhất là 2-2.5 tiếng.
Vậy thôi, chúc ba mẹ thật thành công trong vấn đề nuôi dạy bé nhé! Nếu có đóng góp gì hãy bình luận phía dưới cho mình biết nha.